Đây là nội dung quan trọng, điểm nhấn của kỳ họp để hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch.
5 Dự án được Quốc hội đưa vào chương trình nghị sự xem xét, quyết định chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV đang diễn ra gồm: đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; đường bộ cao tốc Biên Hòa -Vũng Tàu; đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.
Theo các đại biểu đây là những dự án giao thông quan trọng kết nối liên vùng, nội vùng, kết nối giao thông toàn quốc. Các đại biểu kỳ vọng, các công trình này chính là đột phá về hạ tầng để bù đắp, tăng tốc phát triển trong thời gian còn lại, tuy nhiên cũng cần tính đến khả năng đáp ứng nguồn vốn để tránh tình trạng dàn trải, kém hiệu quả.
Trong đó có tới 4 dự án đường cao tốc kết nối với các vùng động lực tăng trưởng của cả 3 miền. Đó là đường vành đai 4 Thủ đô Hà Nội; vành đai 3 TPHCM; cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu; cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột; cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ được kỳ vọng tạo bứt phá, nâng cao năng lực vận chuyển, hỗ trợ tích cực phát triển kinh tế thời gian tới và tháo gỡ những hạn chế về hạ tầng giao thông hiện nay.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc, đoàn Đại biểu QH TP Hà Nội nhận định: “Quốc hội cho chủ trương về việc xây dựng các đường vành đai 4 của Vùng Thủ đô, hay vành đai 3 của TPHCM và việc xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc, đây là những dự án rất quan trọng. Tôi rất mong muốn Quốc hội sẽ sớm thông qua, bởi vì chúng ta đều biết chúng ta đang đứng trước một yêu cầu phát triển mà việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cơ sở hạ tầng giao thông để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ nền kinh tế.”
Với dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo, theo ý kiến đại biểu Vũ Tiến Lộc, đây là tuyến kết nối Bắc Nam, điểm đầu tại Pác Bó (Cao Bằng), điểm cuối tại Đất Mũi (Cà Mau), đi qua nhiều tỉnh thành có điều kiện kinh tế khó khăn, tuy nhiên một số đoạn kết nối của dự án đang thiếu vốn, chưa thể triển khai để thông toàn tuyến. Do đó, cần ưu tiên vốn cho các đoạn đang chậm tiến độ, nhất là các đoạn kết nối đường Hồ Chí Minh với các vùng khó khăn, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nơi tuyến đường đi qua và thông suốt giao thông toàn tuyến.
Đại biểu Nguyễn Danh Tú, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang cho rằng: “Đoạn chợ Chu, ngã Ba Trung Sơn là kết nối an toàn khu Định Hóa, Thái Nguyên và đoạn Rạch Sỏi, Bến Nhất, Gò Quao, Vĩnh Thuận kết nối giao thông vùng ĐBSCL. Hai dự án này đi qua kết nối các địa bàn quan trọng, khu căn cứ địa cách mạng trước đây, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội, giữ vững an ninh Quốc phòng địa phương. Bên cạnh đó, việc thực hiện 2 dự án này góp phần thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh. Bởi vậy tôi cũng đề nghị chính phủ cần tập trung, bố trí các nguồn vốn để hoàn thành dứt điểm 2 dự án thành phần này.”
Trước tình trạng một số dự án giao thông thiếu vốn, bị chậm tiến độ cả chục năm gây lãng phí, đội vốn đầu tư, không phát huy hiệu quả, hay tình trạng bị xuống cấp nhanh chóng... một số ý kiến cho rằng, Quốc hội cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng trong quá trình thảo luận, xem xét để làm rõ, cân đối các nguồn lực. Quá trình xem xét phải tính đến việc sử dụng vốn hiệu quả, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ, đạt chất lượng. Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, đây là những dự án lớn, để triển khai cần có sự quyết tâm đồng bộ của cả Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành và địa phương, đặc biệt cần có sự xem xét chặt chẽ trong tất cả các khâu từ giải phóng mặt bằng, lập thẩm định hồ sơ, chỉ định thầu, tổ chức đấu thầu, tham gia giám sát...:
Đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh: “Cần đi vào thực hiện các dự án này cho bằng được và giải ngân cho tốt, không bị ách tắc, không để khi vừa thực hiện xong đã xuống cấp, hoặc là có nơi giải tỏa được mặt bằng, có nơi không, rồi giải ngân chậm sẽ gây ách tắc. Tôi cho rằng đây là vấn đề mấu chốt Quốc hội phải bàn, địa phương phải vào cuộc sao cho các dự án này trơn tru và đi vào thực hiện theo đúng nghị quyết của Quốc hội đề ra.”
Tuy nhiên, không ít đại biểu bày tỏ lo ngại khi cùng một lúc thực hiện 5 dự án cao tốc, đường vành đai, nhất là trong bối cảnh giá cả nguyên nhiên vật liệu, hàng hóa tăng cao, tổng vốn đầu tư tăng cao, sẽ gây áp lực lên ngân sách. Các đại biểu cũng lưu ý, cần tính đến khả năng đáp ứng nguồn vốn. Do đó cần làm rõ vấn đề này và Chính phủ cần có đầu tư trọng tâm, trọng điểm, dứt điểm với từng dự án, tránh đầu tư dàn trải dẫn tới tình trạng thiếu vốn, chậm tiến độ, gây lãng phí lớn như đã từng xảy ra thời gian qua./.